Quyển sách này mình biết từ khá lâu rồi, cũng ko nhớ rõ lắm cơ duyên gì mà mình biết đến nó nhưng mình thấy rõ rằng một quyển sách viết từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 cách đây gần 100 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến bây giờ thì thật là đáng quý.

   Nhân tiện ngày hôm nay rảnh, và muốn làm tươi mới động lực cho chặng đường sắp tới nên mình đọc lại. Và giờ thì viết lại một số tóm tắt và suy nghĩ của mình khi đọc xong.


  Đầu tiên, tác giả nói rõ rằng thành công của mỗi người trong xã hội này là trở "nên người". Mục tiêu của giáo dục là nghệ thuật giúp người ta nên người. Nên người có nghĩa là đạt được toàn diện về trí tuệ, thể chất, chí khí, tinh thần và xã hội. Không ai tự dưng nên người cả, tất cả đều do tự phấn đấu, giáo dục mà ra.

Để nên người thì phải có Luật cố gắng, tất cả mọi thứ đều chỉ đạt được khi có sự cố gắng. 

Chí khí (ý chí) là yếu tố quyết định đến sự thành công của mỗi người. Chỉ có người có chí khí mới dũng cảm vượt qua mọi giao lao thử thách, phải hành động thì mới kỳ vọng có thành công. Không quan trọng bạn là ai, xuất phát từ đâu, miễn là lúc nào bạn cũng có ý chí thì ắt sẽ thành công. Tác giả có đưa ra lời khuyên về việc luyện chí. Luyện chí bằng cách tạo những thói quen tốt, bắt đầu từ việc chinh phục những mục tiêu nhỏ và tiến lên dần đều. 

Lập sức khỏe: Mọi thứ bắt đầu từ việc có sức khỏe. Phải có sức khỏe tốt về cả thể chất và tinh thần thì mới làm được những việc lớn lao khác được.

Lập vốn: Tức là chọn 1 cái nghề. Không cần nghĩ gì xa xôi, có 1 cái nghề để có tiền nuôi bản thân, gia đình đã. Tác giả đề cập đề từ Chuyên nghiệp. Nghĩa là khi chọn một nghề phù hợp với mình thì phải đào sâu tìm hiểu nghề đó để mình thật chuyên, phải trở thành người giỏi nhất trong nghề thì mới có cơ may tồn tại trong xã hội đầy cạnh tranh được.

Lập trí: Bên cạnh từ "chuyên nghiệp" thì tác giả nói đến từ "phổ thông". Mỗi người cũng cần trang bị cho mình những kiến thức phổ thông (hiểu rộng) để ứng dụng trong xã hội.

Tác giả có chia sẻ về sự tự học. Tự học là điều kiện tiên quyết vì chỉ nó tự học mới giúp tiếp thu và tiến bộ nhanh. Tự học gồm Đọc sách, Nghe người khác chia sẻ, Quan sát sự vận hành (nhìn) và Suy ngẫm (đào sâu vấn đề). Đọc sách 5 phút nhưng suy ngẫm 1 tiếng. Thà hiểu sâu 1 cuốn sách kỹ càng còn hơn đọc nhiều sách mà ko đọng lại gì. 

Lập đức: Sống có đạo đức, tuân thủ theo pháp luật

Lập gia đình: Chăm lo toàn vẹn cho gia đình.

Lập thân: Phần cuối cùng này mình khá ấn tượng. Mục đích sống của con người là tiến hóa. Xã hội cả triệu năm của con người thực chất không nằm ngoài 2 từ "tiến hóa". Một cách đơn giản là mình hôm nay phải hơn mình của ngày hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Nếu không thì sống trên cuộc đời này cũng không có ý nghĩa gì. Đi theo mục đích sống là tiến hóa, thì mỗi người cũng cần có 1 mục đích sống, mỗi người sẽ có 1 cái đích khác nhau (điểm đến). Cần phải chọn cho mình 1 mục đích rõ ràng, phù hợp và cố gắng để đạt nó.

Sống đắc lực: Trong mọi hoàn cảnh, một cách sống để thành công là sống đắc lực.Tức là cách sống sao cho mình sinh lợi nhiều mà tiêu hao ít trong mọi lĩnh vực. Anh làm nghề Y thì ngoài công việc được giao của mình, anh dành thời gian tìm hiểu chuyên sâu để phát triển hơn trong lĩnh vực của mình (chuyên nghiệp) và mở rộng tri thức bản thân ở lĩnh vực khác (phổ thôn), có thời cơ nào đó, anh sẽ có thể tìm được những cơ hội mới mà mình chưa nghĩ đến, đó là sống đắc lực.

---------

Về cơ bản, quyển sách đem lại cho mình 1 số keyword quan trọng để mình suy ngẫm thêm:

- Nên người: Toàn vẹn về Thể chất, tri thức, đạo đức, chí khí, tinh thần, xã hội.

- Giáo dục là nghệ thuật giúp một người trở nên "nên người"

- Luật Cố gắng

- Chí khí luôn là yếu tố quan trọng nhất

- Chuyên nghiệp và Phổ thông

- Tự học: Đọc sách, Nghe, Nhìn, Nghĩ

- Tiến hóa - Mục đích sống

- Sống đắc lực