Lang thang trên mạng tìm kiếm 1 số thông tin Lịch sử ngành Y
Dược để giới thiệu với các em trong CLB Kinh tế Dược, tôi bất ngờ tìm được thông tin về Y Miếu… Và đọc từng trang báo về nơi này, lòng tôi
lại quằn lại. Phải chăng đó là chút xót xa về 1 Di tích Lịch sử Quốc gia xưa
cũ,sánh ngang với Văn Miếu, giờ đã không còn như xưa…
Ngay ngày hôm sau do
được nghỉ học nên tôi quyết định đến tham quan di tích này. Y Miếu Thăng Long tại
vị ở số 12 Phố Y Miếu (việc tìm kiếm địa điểm cũng không quá khó bởi vì tôi
cũng đi nhiều quanh Hà Nội rồi) đi hết Hai Bà Trưng, sang Nguyễn Khuyến, rẽ
trái sang Trần Quý Cáp, đến ngã 3 ta sẽ thấy biển chỉ đường Y Miếu. Nếu chú ý 1
chút thì sẽ thấy biển chỉ dẫn đường vào Y Miếu ở ngã 3 nhưng có vẻ cái biển quá
nhỏ bé giữa hàng loạt biển quảng cáo ở khắp đường nơi đây. Tôi mừng thầm vì sắp
đến mảnh đất linh thiêng này. Nhưng rẽ vào thì đúng như những gì đã xem trên mạng,
đường Y Miếu như 1 cái chợ, à đúng đó là chợ thật mà, tìm đến số 12 Y Miếu khá
nhanh vì tôi biết sẽ có biển chỉ dẫn. Đúng như câu mà tôi đọc trên báo: ‘’Đường dẫn
vào Y miếu hiện nay là một lối nhỏ đi ngang qua khu chợ Ngô Sĩ Liên luôn bốc
mùi ẩm thấp. Rác rưởi, xú uế tràn ngập.’’ Thật không thể xót xa hơn được.
Y Miếu Thăng Long, di tích bị bỏ quên.
Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công bắt đầu xây dựng Y Miếu, nhưng quy mô, kiến trúc còn rất sơ sài. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), Chưởng viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng Y Miếu với quy mô khá rộng lớn. Đến năm 1774, Y Miếu được hoàn thành.Tấm bia của Viện Thái y hiện còn tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (gần Y Miếu), khắc vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng 35 có ghi lại việc chọn đất xây dựng Y Miếu. Nội dung văn bia nói rõ việc vua lệnh cho Viện Thái y chọn đất, nhận lĩnh tiền xây dựng Y Miếu. Công việc đã có sự lần lữa, chậm trễ, rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Mãi sau có Trịnh Hầu (Trịnh Đình Ngoạn), người xã Định Công huyện Thanh Trì, tinh thông kinh sử, nhiều đời làm thuốc và đến ông thì đã nghiên cứu đến nơi đến chốn nhiều bài thuốc tâm đắc của mọi nhà, nên hăng hái đứng ra xây dựng đền miếu. Nhận thấy khoảnh đất công giáp phía Tây Phượng Thành (tên gọi khác của kinh thành Thăng Long), bên trái Văn Miếu, lại có dòng nước bao quanh, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào có thể xây dựng được. Ông đã mạnh dạn tâu trình, liền được Chúa Trịnh khen ngợi chuẩn y và ban cho 10 mẫu tự điền để dùng vào việc đèn hương. Lại được mẹ của Chúa ban cho hai hốt bạc. Noi theo thịnh tình của Quốc Thánh mẫu (mẹ Chúa) nhiều vị trong nội cung đều góp bạc, góp tiền để giúp vào việc xây dựng Y Miếu. Vậy nên chỉ "vài tháng đã xong, thẳng thắn, bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc tòa ngang, cột rường đồ sộ...".Thời kỳ đầu, Y Miếu còn được gọi là Viện Thái y, sau thì được gọi là Y Miếu Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn và nằm trong tổng Hữu Nghiêm, sau đổi gọi là tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Từ năm 1942, Y Miếu Thăng Long thuộc địa phận Hà Nội.
Như vậy có thể nói Y Miếu được xây dựng
lên để thờ tụng các vị Danh y của đất nước cũng sánh ngang với Văn Miếu thờ các
quan Văn và Võ Miếu thờ các võ tướng (nay Võ Miếu đã không còn). Lịch sử là
thế, đồ sộ là thế nhưng thật xót xa khi đến năm 2014 này, trong khi Văn Miếu
vẫn được tu bổ và thu hút khách du lịch thập phương cũng như để cho các sĩ tử
nhìn vào học tập thì Y Miếu lại bị quên lãng, có chăng là những ngày rằm, ngày
lễ quan trọng của ngành Y Dược như 27/2 thì có một vài Bác sĩ, Dược sĩ, quan
chức trong ngành Y tế đến thắp nén nhanh cúng bái, diện tích chỉ còn hơn 100m2
nhưng hầu như bị các hộ gia đình xung quanh chiếm dụng gần hết.
Tôi thắc mắc liệu ở trường Y, trường Dược
ở mảnh đất Hà Thành có mấy người biết đến chốn linh thiêng này? Chắc ko cần
1 cuộc điều tra làm gì vì chắc chắn người đọc cũng đã đoán ra kết quả. Ngành Y
Dược Việt Nam ngày càng phát triển, hiện đại hơn, chất lượng hơn mà cớ sao 1 Di
tích tôn thờ các Danh y, những ông tổ của ngành, lại để hớ hênh, trớ trêu như
vậy.
Không phải bi quan nhưng ngẫu nhiên, tôi
liên hệ đến thực tại ngành Y tế 2 năm trở lại. Liên tục đó là cúm gia cầm, lở
mồm long móng, rồi heo tai xanh, mới đây là dịch sởi, sắp tới có thể sẽ là
Ebola… Không chỉ dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành Y tế, những vụ lùm về vaccine,
nhân bản kết quả xét nghiệm, hay tư nhân có vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường,… đã làm
Ngành Y tế mất điểm trước nhân dân hơn bao giờ hết. Liệu có mối quan hệ Nhân
Quả tâm linh gì ở đây không?
Thiết nghĩ dù gì thì Y Miếu vẫn đang còn
tồn tại trên mảnh đất Hà Thành địa linh nhân kiệt này, có nghĩa là thế hệ Bác
sĩ, Dược sĩ sau này vẫn còn có 1 địa điểm tâm linh để tìm về. Đoàn Thanh niên,
Hội Sinh viên các trường dạy Y, Dược cũng nên giới thiệu, tổ chức những chuyến mini
tham quan đến nơi đây để các bạn Sinh viên Y Dược luôn nhớ đến những người đầu
tiên đặt nền móng cho ngành Y Dược, luôn đặt cái TÂM lên hàng đầu khi chữa trị
cho Bệnh nhân như các vị đã và đang được tôn thời ở nơi đây. Biết đâu, sau hàng
chục, hàng trăm năm nữa, tên bạn được ghi danh ở 1 vị trí trang nghiêm trong Y
Miếu…
Tái bút: Ông tổ dòng họ của tôi ngày xưa
cũng là 1 Danh tướng thời Nguyễn, đến tuổi già ông từ quan về quê bốc thuốc
chữa bệnh cứu nhân độ thế, vì thế ông được cả vùng đất quê tôi hồi xưa trọng
vọng; và như 1 sự ngẫu nhiên, tôi cũng là người con cháu đầu tiên của dòng họ chọn
nghề Dược nối nghiệp cụ Tổ, 1 nghề đáng quý và đáng kính đối với những người có
Tâm. Vì vậy, học tập cụ Tổ, trong tôi luôn tâm niệm 1 ước mong: Đời tôi sẽ phấn
đấu hết mình vì sự nghiệp Y Dược nước nhà, làm sao ngày nào đó Y tế Việt Nam có
thể sánh ngang với các cường quốc năm châu, để rồi 1 ngày nào đó, khi nhắc tới
tôi, con cháu tôi sẽ luôn tự hào vì ông cha là 1 người vĩ đại của Ngành Y Dược…
Xem thêm thông tin Y Miếu tại:
0 Nhận xét